Sơ lược hệ thống lịch sử tarot
Sơ lược hệ thống lịch sử tarot

Sơ lược hệ thống lịch sử tarot

 05/08/2023

Tác giả: Trang Tarot

MỤC LỤC

Những bài mới nhất trong series “Những sự thật thú vị về Tarot” sẽ được cập nhật liên tục tại facebook cá nhân của mình. Các bạn có thể theo dõi và đóng góp ý kiến chỉnh sửa bằng cách inbox cho mình (Xin đừng add friend nếu thấy không cần thiết).

“Dù bạn là Querent hay bạn là Reader thì những điều này là những điều nên biết”

I. Hệ thống lịch sử Tarot và những điều chúng ta ít biết:

Cho đến tận ngày nay, ngoài những bộ bài Tarot cổ thì có rất nhiều bộ bài mới được ra đời với rất nhiều tác giả khác nhau. Tuy nhiên, lịch sử Tarot lại ít ai biết qua, và theo tôi thì chúng ta nên biết sơ lược về nó.

Nếu bạn là một người muốn nghiên cứu hay hiểu rõ Tarot một cách rõ ràng, chính xác, tìm hiểu lịch sử Tarot là điều không thể thiếu trong việc:
1 – Nghiên cứu bộ bài bạn đang sử dụng; biết được tác giả lấy ý tưởng từ hệ thống nào; biết được bộ bài có xuất xứ từ vùng đất nào để hiểu bộ bài thông qua tìm hiểu về văn hóa nơi đó.
2 – Hiểu hơn về hệ thống của mỗi Reader khi bạn là Querent đi xem Tarot; biết được Reader đó có phải là một người được học bài bản không hay chỉ là học bò chưa xong đã lo học chạy.
3 – Làm rõ thực hư của các quan điểm tràn lan trên mạng, tránh lạc hướng khi nghiên cứu.
4 – Hiểu rõ lịch sử để đánh bại hầu hết những kẻ thích troll cũng như các Reader xấu tính lại còn thiếu hiểu biết (nếu bạn là một Reader); có một nền tảng vững chắc hơn bao giờ hết.

Và việc đầu tiên chúng ta cần hiểu là: Lịch sử Tarot là một mớ hổ lốn, và chả ai biết chính xác lịch sử cổ xưa nhất của Tarot là gì vì có rất nhiều thuyết như Tarot xuất phát từ lập thư, Tarot xuất phát từ Ấn Độ, Tarot xuất phát từ Bắc Âu, v…v… Dẫu vậy thì tất cả cũng chỉ là sự phỏng đoán và lối hợp lý hóa vấn đề từ các tài liệu theo thuyết âm mưu huyền học đang tràn lan trong các tôn giáo phi chính thống như chúng ta thường thấy hiện nay. Còn thực sự ai là tác giả đầu tiên, ai tạo ra Tarot thì cũng giống như việc một phát minh nào đó từ thời không có các nhà chép sử ghi lại hoặc ta đã sống quá lâu để quên mất tên của chính mình vậy. Bởi thế nguồn gốc Tarot là một vấn đề không thể giải quyết tường tận.

Sự thực là trước khi được xem như một công cụ vận dụng huyền học, một công cụ để tiên tri, Tarot là một công cụ để chơi, vốn rất phổ biến trong giới quý tộc Châu Âu tại thế kỷ 15. Tarot thời đó được gọi với nhiều cái tên như Tarocchi, Tarock ..v.v… Các từ nguyên bản này ban đầu mang ý nghĩa của gã khờ, hay sự kỳ quặc. Cái tên Tarot ngày nay được cho là liên quan đến cuốn kinh Tora nhờ vào việc đảo các chữ thành từ Rota, Tora..v.v…

Đáng lưu ý ở đây là những cỗ bài Tarot cổ có một số bộ thường không giống với những bộ bài Tarot 78 lá hiện nay. Tất nhiên cuối cùng thì ta vẫn phải hiểu là những bộ Tarot đầu tiên đôi khi được tìm thấy ở thế kỷ 13-15 và hiện tại vẫn đang ở trong các viện bảo tàng. Điều duy nhất chúng ta biết là cỗ bài Tarot xuất hiện cùng những hình vẽ mang nặng dấu ấn của Kito giáo. Cách giải thích dễ chấp nhận được nhất là Tarot được xuất phát đầu tiên tại Ý.

Và phải đến mãi cuối thế kỷ 18 cho đến nay Tarot mới được coi như một công cụ huyền học, ứng dụng vào tiên tri. Tuy nhiên, điều này là không hoàn toàn chính xác vì trước đó có rất nhiều bộ Tarot xuất xứ từ Pháp đã được ứng dụng trong huyền học vào khoảng thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Việc các sách và tài liệu ghi lại vào cuối thế kỷ 18 có lẽ là do họ lấy mốc đánh dấu của hội Golden Dawn tại Anh. Như vậy, chúng ta nên tìm hiểu nguồn gốc từ Pháp bởi Tarot được phổ biến đầu tiên tại Pháp và Pháp cũng là nơi đầu tiên phổ biến Tarot như một trò chơi và công cụ huyền học .

II. Các dòng Tarot và quá trình lịch sử:

Phần II này mình xin lấy một số nguồn từ các bài viết của tác giả Phil Ngo và nhiều nguồn khác từ các tác giả nước ngoài. Tuy nhiên 90% đều là kiến thức mình thu thập được và viết lại thật đầy đủ cho mọi người, chứ không copy hoàn toàn của ai.

Trước tiên chúng ta nên biết các bộ Tarot cổ thường có số lượng các lá bài không giống hiện nay, cũng như khác nhau một chút về hình vẽ lẫn tên của các lá bài.

* Các dòng Tarot cổ: là những dòng Tarot tồn tại trước thế kỷ 19, ẩn chứa các biểu tượng cổ với lối vẽ đơn giản nhưng sâu sắc, gần như không hề có các sách diễn giải chính thức. Tác giả đã nằm dưới đất từ lâu nên thậm chí những gì họ để lại về sự chú giải là cực kì ít. Đây là dòng Tarot được sử dụng phổ biến bởi những người nghiên cứu, những học giả muốn tìm hiểu sâu và chính xác. Và sự tham chiếu đến các nguyên mẫu đa số đều cần phải nhìn lại những dòng Tarot này.

* Tarot cận đại và hiện đại: là dòng Tarot mà sau này được vẽ và phổ biến bởi khá nhiều nhà huyền học vào đầu thể kỷ 19; chịu ảnh hưởng của hội kín Golden Dawn nói chung hay Arthur Edward Waite nói riêng; chứa các biểu tượng chuyên biệt của từng hội kín và đôi khi kết hợp của nhiều tôn giáo khác nhau, khá phức tạp; có sách và tài liệu để lại. Tuy nhiên về sau Tarot hiện đại được xuất bản đại trà bởi các nhà xuất bản sách. Nó không phải hồn bài tạo ra, bài bố bài mẹ giao hợp ra bài con như nhiều bạn ở VN bịa ra đâu ạ. Bởi nếu thế thì nơi bị tòa thánh Vatican thanh trừng đầu tiên chính là các nhà xuất bản và mấy thánh bán bài. Thế nên hoàn toàn không có hồn bài nhé, vì ngay cả việc tác giả là người thì đã chả liên quan gì đến hồn bài rồi. Đặc điểm của dòng Tarot cận đại và hiện đại là các tác giả sẽ đăng ký bản quyền rồi kết hợp với những nhà in để in ra bộ Tarot bán. Đa số những bộ bài này đều có lời giải thích chính thức từ tác giả, đi kèm một vài trải bài nữa. Nếu chính xác là bộ bài từ các hội kín thì tốt, còn không thì các bộ bài hiện đại ra đời sau này có mức độ tin cậy rất thấp bởi đa số đều không hề có sự tư vấn của các nhà huyền học nào. Và đôi khi chỉ đơn giản là họa sĩ thích thì vẽ, thích thì chế tác lung tung, hoặc nếu có sự tư vấn thì đã là tốt lắm rồi chứ chưa cần biết đó có phải là một nhà huyền học uy tín hay không.

Phân tích kỹ hơn, chúng ta có thể chia ra các dòng Tarot sau:


Dòng tiền Tarot Visconti-Sforza:

Nhóm này gồm khoảng 15 bộ bài được sưu tập rải rác. Đa số các bộ đều chỉ giữ lại được vài lá. Bộ đầy đủ nhất cũng thiếu mất 6 lá trong tổng 78 lá. Hình vẽ trong các bộ này hoàn toàn làm thủ công và sản suất với số lượng cực kỳ ít. Các bộ này xuất xứ chủ yếu từ Milan, và được các gia đình quý tộc Visconti và Sfroza đặt làm. Hai gia đình này cai trị Milan suốt trong thế kỷ 13 đến 15. Hình vẽ trên các bộ này khác nhau dù mang đặc điểm chung thống nhất. Đây được xem là nguồn gốc cơ bản của bộ bài Tarot dùng để tiên tri.

Dòng Tarot De Marseille:

Nhóm này là tiền thân của hệ thống tiên tri bằng Tarot tại Châu Âu. Cái tên Marseille được đặt cho bộ bài vì nó được sản xuất đầu tiên tại thành phố Marseille Pháp. Các bộ bài này được xem là kinh điển nhất cho các bộ Tarot mang phong cách Pháp. Nó được xem như là một trong những bộ bài chuẩn cho việc bói toán. Các dẫn chứng ở sách Gebelin, Esteilla, hay Levi đều sử dụng bộ bài này. Lịch sử của dòng bài Tarot này được xem như là lịch sử của Tarot nói chung và lịch sử tiên tri bằng Tarot từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19. Từ thế kỷ 19, sự phát triển hệ thống bài Tarot của nhóm Anh ngữ do Golden Dawn dẫn đầu bởi sự huyền bí đã khiến cho nhiều người biết đến nhiều hơn là Tarot De Marseille. Dù vậy, về những điều căn bản thì De Marseille vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu mỗi khi một ai đó cần tham chiếu lại, chứ không phải là Raider Waite như mọi người vẫn hiểu lầm. Nguyên do bởi Raider Waite đã có một bước cải cách khiến cho việc xem Tarot trở nên có vẻ đơn giản hơn và khiến Raider Waite trở nên phổ biến hơn mà thôi. Cơ mà chỉ là nhìn có vẻ đơn giản nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì… Hãy nghĩ lại đi. Có một điều đặc biệt là ngay tại các quan điểm sử dụng bộ De Marseille, cũng chia thành 2 quan điểm đó là một quan điểm chỉ chấp nhận 22 lá ẩn chính, và quan điểm chấp nhận cả bộ ẩn chính lẫn bộ ẩn phụ

Dòng Tarot của Ý:



Không có nhiều sự khác biệt (tức là vẫn có) so với dòng De Marseille. Giữa Tarot Ý và Pháp – 2 đất nước gần như là một trong những nước lâu đời nhất biết đến Tarot, với những bộ bài cổ nhất liên quan đến huyền học thuộc về Ý – có sự giao thoa và trao đổi giữa những bộ bài huyền học của Ý và Pháp. Tuy nhiên những hệ thống Tarot của Ý vẫn mang những nét đặc trưng rất riêng và đa phần các bộ bài của Ý có số lượng bài khác hoặc đúng hơn là lớn hơn con số 78 lá bài.

Dòng Tarot Animal:


Là dòng Tarot được vẽ vào thế kỷ 18 mang phong cách Đức, chỉ đơn giản là vẽ con vật và cũng không ứng dụng gì trong bói toán hết….

Dòng Tarot Golden Dawn:


được phát triển mạnh mẽ vào cuối thể kỷ 18 và đầu thế kỷ 19; đa số lấy ý tưởng từ dòng De Marseille nhưng đã được sửa chữa lại cho phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng thần bí học mà hội Golden Dawn hay các hội kín theo. Các bộ theo dòng Golden Dawn hay nói các khác là các hội kín thì hình vẽ mang tính biểu tượng huyền học cao. Ta có thể rất dễ dàng nhận thấy hầu hết các biểu tượng đều là một biểu tượng phổ biến trong tín ngưỡng, tôn giáo nào đó mà tại đây mình phải quy hết về Golden Dawn cho dễ bởi thời kỳ này là thời kỳ nở rộ của các hội kín Huyền Bí Học, như Hội Thập Tự Hoa Hồng (Rose Croix), hay Hội Tam Điển (Freemasonry). Có những người vừa là thành viên của hội kín này nhưng cũng là thành viên của một hội kín khác. Đặc điểm chung thì mình thấy khá giống nhau và đều đi theo hướng huyền bí khơi gợi trí tò mò của người xem nếu xét về các dòng Tarot tại thời kỳ này. Tại đây mình phân chia theo 2 nhóm Tarot nữa dù nằm trong Golden Dawn nhưng lại tạo nên lịch sử ảnh hưởng hầu hết đến các bộ Tarot hiện đại.

1 – Bộ Golden Dawn Tarot :

do nhà huyền học S.L. MacGregor Mathers tạo ra, và là bộ bài được sử dụng chính tại các buổi lễ của hội. Tuy nhiên bộ bài không được đánh giá cao bởi các nhà huyền học vì bộ này mang ảnh hưởng khá lớn của văn minh Ai Cập và vì Ai Cập không phải là một nền huyền học phổ biến nên vô tình đã tạo ra sự khó khăn cho việc hiểu rõ bộ bài này.

2 – Bộ Raider Waite Smith:


do A. E. Waite tư vấn với phần minh họa bởi Pamela Colman Smith, và được xuất bản bởi Raider Company. Phải nói rằng Waite đã rất thành công khi bộ bài của ông vừa mang sự đơn giản, và bằng thủ pháp sử dụng các hình ảnh hoạt động của con người để miêu tả cho các bộ ẩn phụ. Sự thay đổi lớn nhất của bộ bài này là tráo đổi vị trí của 2 lá ẩn chính số 11 và số 8 so với các bộ trước đó từ Marseille trở đi, kèm theo chỉnh sửa một số nghĩa gốc trong bộ ẩn phụ. Tuy sự thay đổi này không bao hàm việc khiến bộ bài này phải nói rằng nổi tiếng toàn thế giới, nhưng việc bộ bài này trở nên nổi tiếng toàn thế giới và gây ra sức ảnh hưởng rộng lớn đến mức các bộ bài hiện đại đều theo phong cách của Waite và hệ thống của Waite chính là vì việc sử dụng hình ảnh chuyển động miêu tả cho bộ ẩn phụ. Hơn nữa, sự phổ biến và tầm ảnh hưởng của khối Anh-Mỹ thời kỳ đó, kèm theo sức ảnh hưởng của hội kín Golden Dawn trên toàn thế giới cũng góp phần không kém tạo nên sức ảnh hưởng của bộ bài này. Tuy vậy, cho đến hiện nay thì đa số Reader Châu Âu vẫn tham chiếu Marseille là chủ yếu.

3 – Thoth Tarot:


được sự tư vấn bởi Aleyster Crowley và minh họa bởi Frieda Harris. Bộ bài viết dựa theo hệ thống của Book of Thoth. Aleyster Crowley cũng là một trong những thành viên danh tiếng của Golden Dawn, tuy nhiên về sau chính Crowley lại bị khai trừ khỏi hội (tiểu sử và nguyên nhân mọi người có thể search google). Bộ bài Thoth Tarot là một trong những bộ bài đánh dấu cột mốc đầu tiên trong trường phái biểu tượng học trong Tarot. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất đó là mặc dù có cái tên Thoth là tên của vị thần trí tuệ Ai Cập, nhưng bộ bài được vẽ tổng hợp bởi nhiều biểu tượng huyền bí khác nhau, từ các nền văn hóa Châu Âu, cho đến Châu Á, Bắc Âu, Ai cập.. v.v..

Dòng Tarot Etteilla:


Tác giả Etteilla là một nhà huyền học người Pháp ở thể kỷ 17, và cũng là một trong số các nhà huyền học hiếm hoi mà kiếm sống chính bằng Tarot. Etteilla cũng là một trong những người đầu tiên đề xuất một hệ thống dựa theo sự tương ứng giữa chiêm tinh, số học và bốn nguyên tố. Và ông cũng là người đầu tiên đưa ra một bộ Tarot đã được chỉnh sửa rất nhiều so với các bộ De Marseille trước đó cho phù hợp với hệ thống của riêng Etteila (1791), với xác nhận rằng bộ bài của ông được hệ thống bởi một nhà huyền học Ý. Tuy nhiên không ai tìm thêm được thông tin gì về điều này.

* Dòng Tarot hiện đại:


Được vẽ bởi rất nhiều tác giả khác nhau, đa số bị ảnh hưởng bởi Raider Waite, một số ảnh hưởng bởi Thoth, đôi khi kết hợp thêm cả tâm lý học Carl Jung cùng nhiều trường phái khác, và một số chỉ đơn thuần là theo một kiểu chỉ của riêng tác giả đó… Nhìn chung phần nhiều các tác giả hiện đại lấy sự tổng hợp của nhiều hệ thống, hoặc cái riêng của họ và làm một bộ Tarot, tất nhiên nhờ công nghệ 3D và kỹ thuật số thì việc vẽ và tạo một bộ Tarot nhiều màu sắc bằng công nghệ là không khó. Vì thế, chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng có một số bộ Tarot mà tác giả chỉ đơn thuần là một anh họa sĩ đồ họa có chút cảm hứng với huyền học, hoặc một số chỉ đơn thần là một tay chơi ngoại hạng và nhìn thấy món lời từ việc vẽ và sản xuất một bộ Tarot để bán. Một số bộ Tarot hiện đại được sinh ra mang tính sưu tầm và giải trí như mấy bộ bài 18+ hoặc một số bộ in hình các ngôi sao ca nhạc, in hình nhân vật của các bộ truyện tranh..v.v… Đặc điểm của dòng Tarot hiện đại là mang giá trị sưu tầm, hình ảnh đẹp. Tuy nhiên, ngay đến cả những người nghiên cứu Tarot lâu năm thỉnh thoảng cũng mua một vài bộ giải trí về sưu tầm vì sở thích.
Dù rằng các dòng Tarot hiện đại chúng ta nghe qua có vẻ như một mớ hổ lốn và một nồi lẩu thập cẩm, thì thực tế cũng không hoàn toàn là như vậy. Và cho dù khi bạn “múc” một bộ bài về kèm theo một cuốn sách dày thì khi đọc kỹ bạn sẽ thấy cuốn sách cũng chả có giá trị gì cho lắm, chỉ là mấy điều bay bổng được viết lên cho nhiều chữ mà thôi… “Thượng vàng, hạ cám” – ẩn đâu đó vẫn còn những tác giả và cũng là những nhà huyền học giỏi ở đâu đó. Cái chính là ở thời đại hiện nay, trước khi chúng ta tìm một bộ Tarot hợp với bản thân thì chúng ta nên tìm hiểu kỹ tác giả và những ảnh hưởng của tác giả đó, và xem xem liệu họ có dính dáng gì đến huyền học hay không. Một số tác giả chỉ đơn thuần là các shaman gọi đồng, hoặc là một thầy phù thủy nào đó vốn không dính dáng gì đến các hệ thống Tarot, thì họ cũng không có nhiều hiểu biết do không tìm hiểu kỹ. Và cuối cùng điều mình muốn nhấn mạnh vẫn là “xác định mục tiêu khi chọn” và “tìm hiểu kỹ về tác giả lẫn hệ thống của bộ bài”.

P/s: Trong bài viết có thể mình sẽ sai ở một vài đoạn mốc lịch sử, do mỗi tài liệu lại đưa ra một mốc lịch sử và một lời giải thích khác nhau. Mình lấy những nguồn mà theo mình là đáng tin và hợp logic nhất. Bài viết có thể sẽ còn chỉnh sửa và sẽ được xuất bản thường xuyên tại blog hoặc FB cá nhân của mình.

Đặt lịch xem bói Tarot, Tử Vi, Chỉ Tay, Nhân tướng

Xem chi tiết các vấn đề tình cảm, tài chính, công việc, âm phần. Xem gia đạo thuận hoà, phần âm yên ổn. Nhận hoá giải âm nghiệp, duyên âm. Tặng lời khuyên miễn phí.

Thông tin tác giả

Tags:

Danh mục: Tarot

Bài viết liên quan

FacebookZalo